Bước tới nội dung

Đốm xanh mờ

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Đốm xanh mờ
Nhìn từ khoảng cách 6 tỷ kilômét (3,7 tỷ dặm), Trái Đất xuất hiện như một chấm nhỏ giữa không gian sâu thẳm: đốm màu xanh trắng nằm ở gần giữa dải ánh sáng ngoài cùng bên phải.
Tác giảVoyager 1
Thời gian1990
LoạiNhiếp ảnh thiên văn (astrophotography)
Địa điểmKhông gian liên sao
Chủ sở hữuNASA

Đốm xanh mờ (tiếng Anh: Pale Blue Dot) là một bức ảnh về Trái Đất do tàu thăm dò không gian Voyager 1 chụp lại vào ngày 14 tháng 2 năm 1990 từ khoảng cách xấp xỉ 6 tỷ kilômét (3,7 tỷ dặm, 40,5 AU), thuộc một phần của loạt ảnh Chân dung gia đình Hệ Mặt Trời.

Trong bức ảnh, kích thước biểu kiến của Trái Đất còn bé hơn cả một pixel; hành tinh này xuất hiện như một chấm nhỏ trên nền không gian rộng lớn, giữa những dải ánh sáng Mặt Trời phản chiếu bởi máy ảnh.[1] Nhận được sự ủy quyền từ NASA, bức ảnh này là thành quả có được qua lời kêu gọi của nhà thiên văn học kiêm tác giả Carl Sagan. Trong tác phẩm cùng tên xuất bản năm 1994, Sagan đã mô tả Đốm xanh mờ như một đại diện cho vị trí rất nhỏ và phù du của loài người giữa vũ trụ bao la.[1]

Bức ảnh được chụp bởi Voyager 1, một tàu vũ trụ được phóng vào năm 1977 với mục đích ban đầu là nghiên cứu phần bên ngoài của Hệ Mặt Trời. Sau khi hoàn thành sứ mệnh chính của mình, một phần là nhờ đề xuất của Sagan, con tàu đã nhận được mệnh lệnh quay ngược máy ảnh và chụp lại hình ảnh cuối cùng về Trái Đất trên hành trình mạo hiểm vượt ra khỏi Hệ Mặt Trời.[2]

Qua thời gian, Đốm xanh mờ đã được tôn vinh và ghé thăm lại nhiều lần, trong đó NASA vẫn ghi nhận những ngày kỷ niệm và giới thiệu các phiên bản cập nhật, nâng cao độ rõ ràng, chi tiết của bức ảnh.

Bối cảnh[sửa | sửa mã nguồn]

Tháng 9 năm 1977, NASA đã phóng Voyager 1, một tàu vũ trụ robot nặng 722 kilôgam (1.592 lb) trong sứ mệnh nghiên cứu vòng ngoài của Hệ Mặt Trời và sau cùng là không gian giữa các vì sao.[3][4] Sau cuộc gặp gỡ với hệ Sao Mộc vào năm 1979 và hệ Sao Thổ vào năm 1980,[5] phần sứ mệnh chính được tuyên bố hoàn thành. Voyager 1 đã giúp cung cấp hình ảnh chi tiết về hai hành tinh lớn nhất và các mặt trăng chính của chúng.[6]

Tàu vũ trụ vẫn đang di chuyển với tốc độ 64.000 km/h (40.000 mph), và là vật thể nhân tạo ở xa Trái Đất nhất cũng như vật thể nhân tạo đầu tiên rời khỏi Thái Dương Hệ.[7] Nhiệm vụ của nó đã được mở rộng và tiếp tục cho đến ngày nay, với mục đích nghiên cứu ranh giới của Hệ Mặt Trời, bao gồm vành đai Kuiper, nhật quyển và không gian liên sao. Kể từ khi được phóng, phi thuyền vẫn luôn nhận các lệnh theo thường lệ và truyền dữ liệu trở lại Mạng lưới giám sát Không gian Sâu.[3][8][9]

A space probe resting on a stand, with a parabolic antenna pointing upwards and two arms extending from the sides, bearing cameras and other devices, against a black background curtain
Phi thuyền Voyager 1

Voyager 1 dự kiến ​​​​sẽ chỉ hoạt động cho tới sau cuộc gặp gỡ với Sao Thổ. Khi phi thuyền đi ngang qua hành tinh này vào năm 1980, Sagan đã đề xuất ý tưởng cho tàu thăm dò không gian chụp lại bức ảnh cuối cùng về Trái Đất.[10] Ông thừa nhận rằng một bức ảnh như vậy không có nhiều giá trị khoa học vì Trái Đất sẽ trông quá nhỏ để máy ảnh của Voyager có thể ghi lại bất kỳ chi tiết nào, nhưng nó sẽ có ý nghĩa như một góc nhìn về vị trí của loài người trong vũ trụ.[10]

Mặc dù nhận được sự ủng hộ từ nhiều người trong chương trình Voyager của NASA, vẫn có những lo ngại cho rằng việc chụp ảnh Trái Đất quá gần Mặt Trời có nguy cơ làm hỏng hệ thống hình ảnh của tàu vũ trụ đến mức không thể sửa chữa được. Mãi đến năm 1989, ý tưởng của Sagan mới được thực hiện, nhưng sau đó việc hiệu chuẩn thiết bị đã trì hoãn hoạt động hơn nữa, khiến cho những nhân sự lập kế hoạch và truyền lệnh vô tuyến tới Voyager 1 bị sa thải hoặc chuyển sang các dự án khác. Cuối cùng, Trưởng quản lý NASA Richard Truly phải can thiệp để đảm bảo rằng bức ảnh có thể được chụp.[7][11][12] Một đề xuất khác kêu gọi chụp ảnh Trái Đất khi hành tinh này quay quanh Mặt Trời đã bị từ chối.[13]

Máy ảnh[sửa | sửa mã nguồn]

Imaging Science Subsystem (tạm dịch: Hệ thống con Khoa học Chụp ảnh, viết tắt là ISS) của Voyager 1 bao gồm hai máy ảnh: một máy ảnh góc rộng có tiêu cự 200 mm với độ phân giải thấp, được sử dụng để chụp ảnh mở rộng trong không gian, và một máy ảnh góc hẹp 1500 mm có độ phân giải cao – chiếc đã chụp Đốm xanh mờ – nhằm mục đích chụp ảnh chi tiết các mục tiêu cụ thể. Cả hai máy ảnh đều thuộc loại ống vidicon quét chậm và được trang bị tám bộ lọc màu, gắn trên một bánh xe kính lọc (filter wheel) đặt phía trước ống.[14][15]

Khi nhiệm vụ tiến triển cũng là lúc thử thách xuất hiện: các vật thể được chụp sẽ ngày càng ở xa và mờ hơn, đòi hỏi thời gian phơi sáng lâu hơn và phải xoay (lia) máy ảnh để đạt chất lượng chấp nhận được. Khả năng viễn thông cũng giảm dần theo khoảng cách, hạn chế số lượng chế độ dữ liệu mà hệ thống chụp ảnh có thể sử dụng.[16]

Sau khi chụp loạt ảnh Chân dung gia đình, trong đó có Đốm xanh mờ, các nhà quản lý sứ mệnh của NASA đã ra lệnh cho Voyager 1 tắt nguồn máy ảnh vì tàu vũ trụ sẽ không bay gần bất kỳ thứ gì quan trọng trong suốt phần còn lại của phi vụ, trong khi các thiết bị khác vẫn đang thu thập dữ liệu cần năng lượng cho hành trình dài đến với không gian giữa các vì sao.[17]

Bức ảnh[sửa | sửa mã nguồn]

Vị trí của Voyager 1 vào ngày 14 tháng 2 năm 1990. Các thanh dọc được đặt cách nhau một năm và cho biết khoảng cách của tàu thăm dò so với mặt phẳng hoàng đạo.

Thiết kế chuỗi lệnh được chuyển tiếp đến phi thuyền và tính toán về thời gian phơi sáng của mỗi bức ảnh do các nhà khoa học vũ trụ Candy Hansen thuộc Phòng Thí nghiệm Sức đẩy Phản lực của NASA và Carolyn Porco thuộc Đại học Arizona phát triển.[11] Chuỗi lệnh sau đó được biên dịch và gửi tới Voyager 1, với những bức ảnh được chụp vào lúc 04:48 GMT ngày 14 tháng 2 năm 1990.[18] Vào thời điểm đó, khoảng cách giữa tàu vũ trụ và Trái Đất là 40,47 đơn vị thiên văn (6,055 triệu kilômét, 3,762 triệu dặm).[19]

Dữ liệu từ máy ảnh ban đầu được lưu trữ trong một máy thâu băng trên tàu. Việc truyền tới Trái Đất cũng bị trì hoãn do các sứ mệnh MagellanGalileo đang được ưu tiên sử dụng Mạng lưới giám sát Không gian Sâu. Sau đó, từ tháng 3 đến tháng 5 năm 1990, Voyager 1 đã gửi 60 khung hình về Trái Đất bằng tín hiệu vô tuyến truyền với tốc độ ánh sáng và mất gần 5 tiếng rưỡi để đến nơi.[7]

Ba trong số những khung hình nhận được cho thấy Trái Đất là một điểm sáng nhỏ trong không gian trống rỗng. Mỗi khung hình được chụp bằng một bộ lọc màu khác nhau: xanh lam, xanh lục và tím, với thời gian phơi sáng lần lượt là 0,72, 0,48 và 0,72 giây. Sau đó, ba khung hình đã được kết hợp lại để tạo ra bức ảnh Đốm xanh mờ.[20][21]

Trong số 640.000 pixel riêng lẻ tạo nên mỗi khung hình, Trái Đất chỉ chiếm ít hơn một pixel (cụ thể là 0,12 pixel, theo NASA). Các dải ánh sáng chéo xuất hiện trong bức ảnh chỉ là giả tượng (artifact) bởi việc phản chiếu ánh sáng Mặt Trời từ các bộ phận và tấm che nắng của máy ảnh, do khoảng cách tương đối gần giữa Mặt Trời và Trái Đất.[7][22] Góc nhìn của Voyager cao hơn mặt phẳng hoàng đạo khoảng 32°. Phân tích chi tiết cho thấy máy ảnh cũng đã phát hiện ra Mặt Trăng, mặc dù thiên thể này quá mờ để có thể nhìn được nếu không qua xử lý đặc biệt.[21]

Ảnh góc rộng của Mặt Trời và các hành tinh bên trong (không nhìn thấy được), với hình ảnh chồng lên của Đốm xanh mờ ở bên trái và Sao Kim ở bên phải

Với thiết bị chụp là camera góc hẹp, Đốm xanh mờ còn được xuất bản như một phần của bức ảnh tổng hợp tạo ra từ tấm hình camera góc rộng cho thấy Mặt Trời và vùng không gian chứa Trái Đất và Sao Kim. Bức ảnh góc rộng được chèn vào hai bức ảnh góc hẹp: Đốm xanh mờ và một hình ảnh tương tự về Sao Kim. Bức ảnh góc rộng được chụp bằng bộ lọc tối nhất (dải hấp thụ khí metan) và thời gian phơi sáng ngắn nhất có thể (5 mili giây) để tránh làm bão hòa ống vidicon của máy ảnh với ánh sáng Mặt Trời bị tán xạ. Mặc dù vậy, kết quả nhận được lại là một bức ảnh bị cháy sáng với nhiều phản xạ từ hệ thống quang học trong máy ảnh, và Mặt Trời trông có vẻ lớn hơn nhiều so với kích thước thực tế của đĩa Mặt Trời. Các tia xung quanh Mặt Trời là hình ảnh nhiễu xạ của đèn hiệu chuẩn được gắn phía trước ống kính góc rộng.[21]

Voyager 1 cũng đã chụp ảnh Sao Kim, Sao Mộc, Sao Thổ, Sao Thiên VươngSao Hải Vương. Khi ghép lại thành một bức ảnh như ở bên dưới, chúng tạo thành chân dung của Hệ Mặt Trời.[23] Sao Thủy quá mờ do ánh sáng Mặt Trời nên không thể chụp được và Sao Hỏa không hiện ra do hiệu ứng của ánh sáng Mặt Trời trên máy ảnh quang học.[24] NASA đã biên tập 60 bức ảnh để tạo ra một bức khảm gọi là Chân dung gia đình.[25]

Hình ảnh của sáu hành tinh. Do khoảng cách rất xa, chúng chỉ xuất hiện như những điểm sáng.
Tổ hợp "bức ảnh gia đình" của Hệ Mặt Trời khi chụp ở một khoảng cách lớn bởi Voyager 1

Màu xanh nhạt[sửa | sửa mã nguồn]

Trái Đất xuất hiện trong bức ảnh dưới dạng một chấm màu xanh lam, chủ yếu là do tán xạ Rayleigh của ánh sáng Mặt Trời trong bầu khí quyển hành tinh. Tại đó, ánh sáng nhìn thấy được có bước sóng ngắn (như ánh sáng xanh) bị tán xạ ở mức độ lớn hơn ánh sáng có bước sóng dài (như ánh sáng đỏ), khiến cho bầu trời nhìn từ Trái Đất có màu xanh lam.[24][26] (Đại dương cũng góp phần tạo nên màu xanh của Trái Đất, nhưng ở mức độ thấp hơn so với sự tán xạ.[24]) Trái Đất là một đốm xanh mờ chứ không phải xanh đậm là do sự kết hợp giữa ánh sáng trắng phản chiếu bởi các đám mây với ánh sáng xanh bị tán xạ.[26]

Phổ phản xạ của Trái Đất từ tia ​​tử ngoại xa đến hồng ngoại gần không giống với bất kỳ hành tinh được quan sát nào khác, một phần là do sự hiện diện của sự sống trên Trái Đất.[26] Tán xạ Rayleigh được tăng cường trong bầu khí quyển không hấp thụ đáng kể ánh sáng khả kiến, gây ra màu xanh lam của Trái Đất; không giống như màu nâu cam của Titan, nơi các hạt sương mù hữu cơ hấp thụ mạnh ở bước sóng khả kiến ​​màu xanh lam.[27] Lượng oxy dồi dào trong khí quyển Trái Đất do các dạng sống quang hợp tạo ra làm oxy hóa các chất hữu cơ trong khí quyển, chuyển chúng thành nước và carbon dioxide. Điều này khiến bầu khí quyển trở nên trong suốt đối với ánh sáng khả kiến, cho phép tán xạ Rayleigh đáng kể và do đó ánh sáng xanh cũng bị phản xạ mạnh hơn.[26]

Nhận xét[sửa | sửa mã nguồn]

Cụm từ Pale Blue Dot được Carl Sagan đặt ra khi ông suy ngẫm về tầm quan trọng vô cùng to lớn của bức ảnh. Trong quyển sách cùng tên xuất bản năm 1994, Sagan viết:

"Từ vị trí xa xôi này, Trái Đất dường như không có bất kỳ nhận được mối quan tâm đặc biệt nào [của vũ trụ]. Nhưng đối với chúng ta, đốm này hoàn toàn khác. Hãy nhìn lại đốm ấy. Đấy chính là nơi này đây. Đấy là nhà. Đấy là chúng ta. Trên đấy có tất cả những người bạn yêu, bạn biết, bạn từng nghe nói tới, cả những con người từng tồn tại, từng sống trọn vẹn cuộc đời của họ nữa. Sự tổng hòa niềm vui và khổ đau của chúng ta, hàng ngàn tôn giáo tín ngưỡng, ý thức hệ, học thuyết kinh tế, tất cả thợ săn và thợ rèn, tất cả người hùng và kẻ hèn, tất cả nhà sáng lập và kẻ phá hoại nền văn minh, tất cả vị vua và thường dân, tất cả đôi trẻ đang yêu, tất cả người mẹ và người cha, đứa trẻ đầy triển vọng, nhà phát minh và nhà thám hiểm, tất cả giáo viên sáng ngời đạo đức, tất cả chính trị gia tham nhũng, tất cả "minh tinh", tất cả "lãnh đạo tối cao", tất cả vị thánh và kẻ tội đồ trong lịch sử loài người chúng ta đều sống trên đấy – trên một hạt bụi lơ lửng giữa vệt nắng.

Trái Đất là một sân khấu rất nhỏ trong một vũ đài vũ trụ rộng lớn. Hãy nghĩ về những dòng sông máu được đổ đầy dưới tay của tất cả những vị tướng và hoàng đế, để rồi khoác lên mình vinh quang và chiến thắng, họ có thể trở thành những bá chủ nhất thời của một phần dấu chấm. Hãy nghĩ về sự tàn khốc vô tận mà cư dân ở góc này của chấm nhỏ giáng xuống những cư dân giống họ đến mức khó có thể phân biệt được ở góc khác, về mức độ hiểu lầm thường xuyên của họ, về việc họ háo hức sát hại nhau thế nào, về lòng căm thù sục sôi của họ.

Sự giả tạo của chúng ta, sự tự huyễn về tầm quan trọng của bản thân chúng ta, sự ảo tưởng rằng chúng ta có một vị thế đặc quyền trong Vũ trụ, bị thách thức bởi điểm sáng nhạt nhòa này. Hành tinh của chúng ta chỉ là một đốm nhỏ lẻ loi, bao trùm xung quanh là bóng tối vũ trụ rộng lớn. Mặc cho sự mù mờ của chúng ta trong vũ trụ bao la này, không hề có một dấu hiệu nào cho thấy sẽ có sự giúp đỡ đến từ một nơi nào đó, để cứu rỗi chúng ta khỏi chính mình.

Cho đến nay, Trái Đất là thế giới duy nhất có sự sống mà chúng ta biết. Không một nơi nào khác, ít nhất là trong tương lai gần, mà loài người chúng ta có thể di cư đến. Đến thăm thì được, chứ định cư thì chưa đâu. Dù có thích hay không, thì Trái Đất vẫn là điểm tựa của chúng ta ở thời điểm hiện tại.

Người ta nói thiên văn học là một trải nghiệm khiêm nhường và bồi dưỡng tâm tính. Có lẽ không có minh chứng nào về sự tự phụ ngu xuẩn của loài người tốt hơn hình ảnh xa xôi về thế giới nhỏ bé của chúng ta. Đối với tôi, nó nhấn mạnh trách nhiệm của chúng ta về việc đối xử tử tế với nhau hơn, để giữ gìn và trân trọng đốm xanh mờ, ngôi nhà duy nhất mà chúng ta biết."

— Carl Sagan[28][29]

Kỷ niệm[sửa | sửa mã nguồn]

Pale Blue Dot Revisited, 2020

Năm 2015, NASA kỷ niệm 25 năm ngày chụp bức ảnh. Nhà khoa học dự án Voyager, ông Ed Stone nhận xét: "25 năm trước, Voyager 1 nhìn lại Trái Đất và thấy một "đốm xanh mờ", một hình ảnh đã tiếp tục truyền cảm hứng cho sự ngạc nhiên về nơi chúng ta gọi là nhà".[30]

Năm 2020, nhân kỷ niệm 30 năm, NASA đã xuất bản một phiên bản mới của bức ảnh Voyager gốc: Pale Blue Dot Revisited (Thăm lại Đốm xanh mờ). Bức ảnh này sử dụng các kỹ thuật xử lý hình ảnh hiện đại, "đồng thời cố gắng tôn trọng dữ liệu gốc và ý định của những người đã lên kế hoạch cho bức ảnh". Mức độ sáng và màu sắc được cân bằng lại để tôn lên vùng ảnh chứa Trái Đất. Hình ảnh cũng được phóng to, trông sáng và ít nhiễu hơn so với tấm ảnh gốc. Hướng của Mặt Trời nằm ở phía dưới, cũng là chỗ sáng nhất của bức ảnh.[18][31]

Để kỷ niệm dịp tương tự, Viện Carl Sagan đã phát hành một đoạn video với vài nhà thiên văn học nổi tiếng đọc lại bài phát biểu "Đốm xanh mờ" của Sagan.[32]

Xem thêm[sửa | sửa mã nguồn]

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ a b “A Pale Blue Dot”. The Planetary Society. Lưu trữ bản gốc ngày 19 tháng 12 năm 2014. Truy cập ngày 21 tháng 12 năm 2014.
  2. ^ “From Earth to the Solar System, The Pale Blue Dot”. NASA. Bản gốc lưu trữ ngày 18 tháng 12 năm 2014. Truy cập ngày 24 tháng 12 năm 2014.
  3. ^ a b “Mission Overview”. Phòng Thí nghiệm Sức đẩy Phản lực. NASA. Bản gốc lưu trữ ngày 21 tháng 7 năm 2011. Truy cập ngày 27 tháng 7 năm 2011.
  4. ^ “Voyager 1”. NASA. Truy cập ngày 27 tháng 7 năm 2011.
  5. ^ “Voyager - Fact Sheet”. Phòng Thí nghiệm Sức đẩy Phản lực (bằng tiếng Anh). NASA. Truy cập ngày 8 tháng 6 năm 2024.
  6. ^ Howell, Elizabeth (23 tháng 8 năm 2022). “Voyager 1: Earth's Farthest Spacecraft”. Space.com (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 8 tháng 6 năm 2024.
  7. ^ a b c d Sagan, Carl (9 tháng 9 năm 1990). “The Earth from the frontiers of the Solar system – The Pale, Blue Dot”. PARADE Magazine. Truy cập ngày 28 tháng 7 năm 2011.
  8. ^ Butrica, Andrew J. (1994). “Chapter 11”. From Engineering Science To Big Science (ấn bản 1). New York: Random House. tr. 251. ISBN 0-679-43841-6.
  9. ^ “An Earthly View of Mars”. Space.com. 7 tháng 7 năm 2005. Lưu trữ bản gốc ngày 14 tháng 8 năm 2012. Truy cập ngày 28 tháng 7 năm 2011.
  10. ^ a b “Voyager 1's Pale Blue Dot”. Solar System Exploration. NASA/JPL-Caltech. 5 tháng 2 năm 2019. PIA23645. Bản gốc lưu trữ ngày 23 tháng 5 năm 2023. Truy cập ngày 23 tháng 5 năm 2023.
  11. ^ a b Sagan, Carl; Druyan, Ann (2011). Pale Blue Dot: A Vision of the Human Future in Space. Random House Publishing Group. tr. 4–5. ISBN 978-0-307-80101-2.
  12. ^ “An Alien View Of Earth”. NPR. Lưu trữ bản gốc ngày 21 tháng 7 năm 2011. Truy cập ngày 12 tháng 7 năm 2011.
  13. ^ Ulivi, Paolo; Harland, David M. (2007). Robotic Exploration of the Solar System Part I: The Golden Age 1957–1982. Springer. tr. 441–443. ISBN 9780387493268.
  14. ^ “Voyager – Imaging Science Subsystem”. Phòng Thí nghiệm Sức đẩy Phản lực. NASA. Bản gốc lưu trữ ngày 16 tháng 1 năm 2017. Truy cập ngày 26 tháng 12 năm 2014.
  15. ^ “Cassini Solstice Mission – ISS”. NASA. Bản gốc lưu trữ ngày 14 tháng 1 năm 2015. Truy cập ngày 26 tháng 12 năm 2014.
  16. ^ “Voyager 1 Narrow Angle Camera Description”. Planetary Rings Node. Viện SETI. Lưu trữ bản gốc ngày 1 tháng 1 năm 2016. Truy cập ngày 26 tháng 12 năm 2014.
  17. ^ “Voyager Celebrates 20-Year-Old Valentine to Solar System”. NASA. Bản gốc lưu trữ ngày 19 tháng 4 năm 2016. Truy cập ngày 23 tháng 6 năm 2016.
  18. ^ a b “Pale Blue Dot Revisited”. Phòng Thí nghiệm Sức đẩy Phản lực. NASA. Truy cập ngày 13 tháng 2 năm 2020.
  19. ^ “NASA's JPL Horizon System for calculating ephemerides for solar system bodies”. Phòng Thí nghiệm Sức đẩy Phản lực. NASA. Bản gốc lưu trữ ngày 7 tháng 10 năm 2012. Truy cập ngày 13 tháng 7 năm 2011.
  20. ^ “PIA00452: Solar System Portrait – Earth as 'Pale Blue Dot'. Phòng Thí nghiệm Sức đẩy Phản lực. NASA. Lưu trữ bản gốc ngày 18 tháng 7 năm 2011. Truy cập ngày 27 tháng 7 năm 2011.
  21. ^ a b c “PIA00450: Solar System Portrait – View of the Sun, Earth and Venus”. Phòng Thí nghiệm Sức đẩy Phản lực. NASA. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 7 năm 2011. Truy cập ngày 28 tháng 7 năm 2011.
  22. ^ “Solar System Exploration-Pale Blue Dot”. NASA. Bản gốc lưu trữ ngày 13 tháng 11 năm 2011. Truy cập ngày 27 tháng 7 năm 2011.
  23. ^ “Voyager - Solar System Portrait”. Phòng Thí nghiệm Sức đẩy Phản lực (bằng tiếng Anh). NASA. Truy cập ngày 10 tháng 6 năm 2024.
  24. ^ a b c Crow, Carolyn A.; McFadden, L. A.; Robinson, T.; Meadows, V. S.; Livengood, T. A.; Hewagama, T.; Barry, R. K.; Deming, L. D.; Lisse, C. M. (18 tháng 2 năm 2011). “Views from EPOXI: Colors in Our Solar System as an Analog for Extrasolar Planets”. The Astrophysical Journal. 729 (2): 130. Bibcode:2011ApJ...729..130C. doi:10.1088/0004-637x/729/2/130. ISSN 0004-637X.
  25. ^ “Voyager 1's Pale Blue Dot - NASA Science” (bằng tiếng Anh). NASA. Truy cập ngày 10 tháng 6 năm 2024.
  26. ^ a b c d Krissansen-Totton, Joshua; Schwieterman, Edward W.; Charnay, Benjamin; Arney, Giada; Robinson, Tyler D.; Meadows, Victoria; Catling, David C. (20 tháng 1 năm 2016). “Is the Pale Blue Dot unique? Optimized photometric bands for identifying Earth-like exoplanets”. The Astrophysical Journal. 817 (1): 31. arXiv:1512.00502. Bibcode:2016ApJ...817...31K. doi:10.3847/0004-637x/817/1/31. ISSN 1538-4357. S2CID 119211858.
  27. ^ Tomasko, M.G.; Doose, L.; Engel, S.; Dafoe, L.E.; West, R.; Lemmon, M.; Karkoschka, E.; See, C. (tháng 4 năm 2008). “A model of Titan's aerosols based on measurements made inside the atmosphere”. Planetary and Space Science. 56 (5): 669–707. Bibcode:2008P&SS...56..669T. doi:10.1016/j.pss.2007.11.019. ISSN 0032-0633.
  28. ^ Sagan, Carl (1997). Pale Blue Dot. United States: Random House USA Inc. tr. 6-7. ISBN 9780345376596.
  29. ^ Carl Sagan, Pale Blue Dot, tr. 6, tại Google Books
  30. ^ 'Pale Blue Dot' Images Turn 25”. Phòng Thí nghiệm Sức đẩy Phản lực. NASA. Lưu trữ bản gốc ngày 2 tháng 4 năm 2017. Truy cập ngày 15 tháng 2 năm 2017.
  31. ^ Amos, Jonathan (13 tháng 2 năm 2020). “Nasa 're-masters' classic 'Pale Blue Dot' image of Earth”. BBC. Truy cập ngày 19 tháng 2 năm 2020.
  32. ^ Gould, Chelsea (19 tháng 2 năm 2020). 'Pale Blue Dot' shines anew in Carl Sagan Institute video to mark iconic photo's 30th anniversary”. Space.com. Truy cập ngày 19 tháng 2 năm 2020.

Đọc thêm[sửa | sửa mã nguồn]

Liên kết ngoài[sửa | sửa mã nguồn]